0
Giỏ hàng

Chưa có sản phẩm nào.

“Đêm nay con có mơ không?” – Lời thương yêu từ sâu thẳm trái tim!

Những đêm nằm ngắm con ngủ, sờ soạng từng ngón tay ngón chân, hít hà cái mùi chua chua trên áo, hôn cái miệng xinh còn thơm mùi sữa của con, mình luôn cảm thấy tràn ngập hạnh phúc và lòng biết ơn. Mình nghĩ hẳn ai làm mẹ rồi cũng sẽ có cảm giác như mình. Và suy nghĩ ấy của mình đã được xác tín, khi mình đọc “Đêm nay con có mơ không?” của chị Gia Hòa.

Viết về chị Gia Hòa và “Đêm nay con có mơ không?” thật sự rất khó. Nói như nhà văn Trần Lê Sơn Ý, mới đọc vài ba cái tạp bút là “thấy mình đang đâm đầu vô một bức tường bởi viết làm sao cho hết những cái tinh tế mà dày dặn” của chị. Khi mình đọc sách, mình cứ nghĩa sẽ có nhiều thứ để viết lắm, chuyện về tình yêu, chuyện về những người ông người bà, chuyện về mẹ, và cả chuyện của người đang làm mẹ nữa. Nhưng rồi phải viết làm sao, 43 bài tản văn – tạp văn của chị là 43 câu chuyện thấm đẫm tình yêu – tình người – tình thân. Đọc, ngẫm rồi ngộ ra, trời ơi mình cũng nghĩ như thế đó, mình cũng có những kỷ niệm như thế đó, mình cũng …bla…bla… thế đó, mà mình hổng có biết diễn tả nó như thế nào! Có những đọc văn, đọc rồi đọc lại, len lén nghĩ sao giống như chị viết cho mình quá thể, sao giống như chị “đánh cắp” kỷ niệm của mình để viết quá thể.

Chị Hòa lớn hơn mình 10 tuổi, nhưng đọc văn chị, cứ ngỡ như chị cùng thế hệ với mình. Vẫn là câu chuyện về cái thời chưa có điện, chuyện về cái đèn dầu, cái bếp củi, chuyện cái rương thơm mùi thời gian, cái ván gỗ… Tất cả thân thuộc đến lạ lùng. Mình cũng đi qua tuổi thơ đèn dầu, đi qua rơm rạ, đi qua cái bếp ám khói, đi qua cái thời lượm mót đậu phộng… Rồi mình lớn, làm sách, yêu sách, lắm lúc dọn nhà rớt ra một cái thiệp, một trang nhật ký, cũng bần thần thương nhớ cả một thời tuổi trẻ chưa xa. Rồi có lúc như chị, “dọn nhà và (…) gặp lại một quãng đời rất sến của mình rồi thổn thức bồi hồi. Chuyện lặp lại năm này qua năm khác rồi có khi (…) tự hỏi, cuộc đời mình nếu không có những khoảnh khắc thế này thì có khi nào sẽ vui hơn không. Chứ quá khứ, nhìn lại mỉm cười nhưng lắm khi chùng lòng quá đỗi.”

Nhưng trên hết, sách của chị Gia Hòa là những câu chuyện về tình yêu và gia đình. Chuyện ông bà chị đã yêu nhau, đã sống với nhau, về cái tác phẩm cuối cùng của ông – một người thợ mộc – là 2 cái quan tài Rồng – Phượng cho ông bà, về chuyện trước khi ông mất, bà sai con cháu đi hái lá tràm về để chuẩn bị cho ngày ra đi của ông được thơm tho. Rồi đến khi bà mất, đơm mãi “không xong được một cái nút áo mà sao nghe như mình vừa té bật ngửa vì tưởng cái ghế đang ngồi có cái tựa lưng rất chắc. Cái tựa lưng đã mất nên thói quen dựa dẫm làm mình té. Một cú té về miền tuổi thơ dặm dài mà đau, mà chua xót”.

Nhưng với mình, ấn tượng nhất vẫn là câu chuyện về mẹ – và chuyện của người đang làm mẹ. Mình đã khóc khi đọc “Thiên đường có mẹ”. Mình đã khóc khi theo dõi hành trình đưa con về ngoại của người mẹ ấy, đã khóc khi nghe người đàn ông – người cha của ba đứa con ước “phải chi mẹ mình cứ thế mà già đi”, bởi anh biết “để anh em anh có được ngày hôm nay, mẹ anh đã oằn lưng rất nhiều. Mồ hôi đã đổ bao nhiêu. Và nước mắt nữa. Nước mắt đã từng chảy tràn như cái đêm nước lớn bất chợt mênh mông”. Từng câu từng chữ như cứa vào lòng, thật đến tái tê. Bởi làm con, chúng ta chỉ cần có mẹ, có mẹ là đã có một thiên đường.

Rồi đến chuyện của một người làm mẹ. Như mình, có những buổi tối buổi sáng nằm ôm con, hít hà mùi con đầy trong lồng ngực, lo đủ chuyện trên đời dưới đất, lo cho cả cái tương lai xa xôi của con (mà có thể khi đó con không còn cần mẹ phải lo nữa). Mình cứ ước phải chi mình có thể bao bọc con mãi, giữ con mãi trong vòng tay mình. Ước là cứ ước vậy thôi, chứ mình biết mà. Đọc chị Gia Hòa, thấy được an ủi bởi dường như đây là nỗi lo chung của các bà mẹ, thấy được thấu hiểu và đồng cảm bởi từng tâm sự chị gửi gắm, từng câu chuyện chị đẩy đưa… Như người ta nói, làm mẹ nghĩa là trái tim để ngoài lồng ngực. Bởi vì, “tình yêu quá lớn lao khiến bất cứ người mẹ nào cũng cảm thấy không yên dạ khi không trực tiếp giữ con mình bằng vòng tay thần kỳ choàng qua mọi không gian. Khi con bắt đầu bước những bước đầu tiên, mẹ sợ con ngã; khi con bập bẹ tập nói, mẹ dạy con những lời tốt đẹp để sau này ít phải lỡ lời. Mẹ sợ cái cầu ao, giếng nước, sợ bụi cây nhiều muỗi mòng, mẹ sợ ngõ phố nhiều xe cộ…”.

Cuộc sống với muôn vàn bất trắc, trái tim mẹ cũng theo đó mà đầy những lo toan. Nhưng mà mình sẽ mượn lời chị Gia Hòa để ghi nhớ và dạy con rằng: “Khi không biết được ngày mai ta sẽ thế nào thì hôm nay, đừng giận hờn ai con nhé. Hãy sống thật vui vẻ. Con cứ cười khi thấy vui và hãy cười cả khi lòng tan nát. Giận hờn, ghen tức, tranh chấp hơn thua sẽ khiến cuộc sống chúng ta nặng nề mà thôi. Và quan trọng nhất, con hãy học cách tha thứ. Tha thứ cho người cũng là tha thứ cho mình. Mỗi ngày được sống là một món quà, nếu con vui tức là con đang có lãi.

Thành phố đang bắn pháo hoa. Mẹ con mình hãy cùng lưu giữ những khoảnh khắc rực rỡ của bầu trời đêm hôm nay cho 364 ngày sau nữa. Để làm gì con biết không? Để ít ra, khi mặt đất vẫn lắm chông gai, thì chúng ta vẫn còn một bầu trời lấp lánh.”

Cảm ơn chị Gia Hòa, vì đã mang đến một món quà từ trái tim, để giữa bao nhiêu bộn bề, giữa bao nhiêu khó nhọc, vẫn thấy yêu lắm cuộc sống và thương lắm cuộc đời!

Bình Nguyên