0
Giỏ hàng

Chưa có sản phẩm nào.

Nhân viên 1 quý đọc hết 3 cuốn sách, được thưởng 1 triệu đồng

Nhân viên đọc hết một cuốn sách, được thưởng một khoản tiền, đọc càng nhiều sách, thưởng càng nhiều tiền. Nhiều doanh nghiệp đã có những cách hay để khuyến khích văn hóa đọc, phát triển cá nhân cho các nhân sự trẻ.

1 quý đọc hết 3 cuốn sách, được thưởng 1 triệu đồng

Nguyễn Thị Bích Thi, nhân viên Công ty eSmart (117 – 119 Lý Chính Thắng, P.7, Q.3, TP.HCM), hớn hở khoe tại công ty của chị, mỗi giờ nghỉ trưa hay giải lao, các nhân viên luôn hào hứng đọc sách và cùng nhau trao đổi những cuốn sách hay.

“Chúng tôi luôn được sếp khuyến khích đọc sách. Đọc càng nhiều sách, số tiền thưởng càng lớn. Ví dụ trong quý 1 vừa qua, ai đọc được 3 cuốn sách sẽ được thưởng 1 triệu đồng”, Thi nói.

Thi cũng cho biết thêm, mỗi tháng các nhân viên sẽ báo cáo số sách đã đọc được. Hằng tuần, mỗi sáng thứ hai trong giờ mang tên “Good Morning” sẽ có một nhân viên đại diện chia sẻ những câu chuyện hay, nhân vật và sự kiện trong cuốn sách mà họ đã đọc. Từ buổi chia sẻ này, mỗi người có thêm những góc nhìn, kiến thức mới bổ ích.

Phạm Thị Mỹ Lan (25 tuổi), trợ lý giám đốc tại Công ty Vinalink (P.Thảo Điền, Q.2, TP.HCM), khoe chị làm việc tại công ty này 14 tháng và đến nay đã đọc được hơn 20 cuốn sách các loại. Tại công ty của chị, việc đọc sách được tính vào chỉ số KPI, căn cứ để tính tiền lương, thưởng hằng tháng. Do đó, ai không đọc hoặc đọc ít sẽ ảnh hưởng tới KPI cá nhân, từ đó kéo theo lương thưởng thấp đi.

“Mỗi tháng, các nhân viên và sếp sẽ đóng góp một khoản tiền, cùng đề xuất mua những đầu sách hay. Tôi vốn thích đọc sách nhưng một thời gian mình bị lười đi, từ khi được khuyến khích đọc sách như thế này, tôi như… cá gặp nước”, Lan kể.

Trong khi đó, tại trung tâm giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài GotoViki (P.Tân Phong, Q.7, TP.HCM) các nhân viên cũng sẽ được “khoán” đọc ít nhất 100 trang sách trong 2 tuần. Nếu hoàn thành chỉ tiêu này sẽ được cộng 1 điểm vào bảng mục tiêu công việc. Đây là căn cứ để tính lương, thưởng, xét tăng lương.

Chị Dương Thị Thu Định (29 tuổi), người sáng lập trung tâm này, cho biết các bạn nhân viên sẽ được tự do lựa chọn loại sách họ thích, bất kể lĩnh vực nào mà họ yêu thích. “Tôi muốn các bạn sẽ phát triển năng lực của chính mình, am hiểu nhiều hơn. Khi tự tin làm chủ kiến thức của mình mới có thể tự tin đứng trước học trò để giảng dạy”, chị Định nói.

“Mỗi chủ doanh nghiệp là một huấn luyện viên”

“Đọc sách tăng cường khả năng suy luận, giải quyết công việc thông thái hơn, có thêm nhiều ý tưởng hay từ sách để phát triển doanh nghiệp, giảm xung đột.” – Nguyễn Anh Dũng – Giám đốc nhân sự Công ty eSmart

Anh Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc nhân sự Công ty eSmart, cho biết việc đọc sách không chỉ áp dụng trong nhân viên mà còn với các lãnh đạo. Trước đó, khi ứng tuyển vào công ty này, bạn trẻ phải được thử thách bằng một bài kiểm tra nhỏ về thói quen đọc sách với những câu hỏi xã hội, logic. Nếu ai chịu khó đọc sách sẽ làm được. Ngoài khuyến khích tặng tiền cho nhân viên chăm đọc sách, công ty cũng tặng sách cho nhân viên các dịp sinh nhật, lễ kỷ niệm; khuyến khích nhân viên thực hiện những điều đã đọc được trong sách vào công việc.

“Tôi cho rằng với các bạn trẻ, đọc sách tăng cường khả năng suy luận, tránh lãng phí thời gian, giải quyết công việc thông thái hơn, sống hạnh phúc hơn dù làm việc cường độ cao, có thêm nhiều ý tưởng hay từ sách để phát triển doanh nghiệp, giảm xung đột, tăng năng suất làm việc nhóm”, anh Dũng nói.

Chị Võ Ngọc Anh, Giám đốc điều hành Vinalink, cho biết quan điểm của chị, mỗi chủ doanh nghiệp nên là một huấn luyện viên (coaching), lắng nghe những nguyện vọng, mục tiêu hướng tới của nhân viên để có thể đề ra lập trình thăng tiến cho mỗi người; chia sẻ buồn vui, tâm tư của các nhân viên để giúp họ tháo gỡ khó khăn; khơi dậy trong họ niềm đam mê với công việc, khao khát cống hiến… chứ không chỉ chăm chăm đứng ở trên và “gào thét” để nhân viên tuân thủ.

“Đọc sách nhiều giúp cho chính bản thân mỗi nhân viên giỏi hơn, 3 – 5 năm sau, họ có thể chia tay doanh nghiệp của tôi và ra ngoài mở doanh nghiệp start-up. Họ càng thành công, chúng tôi càng có những đối tác, bạn bè tốt có thể trao cho nhau nhiều cơ hội hơn”, chị Ngọc Anh chia sẻ.

Còn anh Nguyễn Trương Tuyến, CEO Công ty Tác Giả Sách Group, chia sẻ cách các doanh nghiệp đang khuyến khích nhân viên đọc sách là một điều thú vị. Cá nhân anh từng áp dụng cho nhân viên, tùy theo các loại sách, nếu đọc xong sẽ được thưởng các mức 100.000, 200.000 hay 500.000 đồng; hoặc sếp sẽ ký tặng sách hay cho nhân viên dịp sinh nhật; đưa ra quy định chỉ được làm cấp quản lý nếu đọc xong một số lượng sách nhất định…

“Tôi từng gặp nhiều nhân viên trẻ từ chối nhận tiền thưởng của sếp vì thấy việc mình đọc sách là một điều hiển nhiên và những trang sách mang lại cho bạn ấy quá nhiều điều tuyệt vời”, anh Tuyến nói.

Anh Đinh Tiến Dũng, Giám đốc sáng tạo Công ty cổ phần viễn thông FPT, người mang sáng kiến tặng “tiền tươi” cho những nhân viên đọc nhiều cuốn sách tại FPT từ năm 2016 cho hay, đến nay, mặc dù không còn áp dụng việc tặng tiền nữa, nhưng đọc sách trở thành thói quen và tủ sách của công ty vẫn được nhiều bạn trẻ quan tâm. Theo anh Dũng, khi một doanh nghiệp thuê bạn, bạn cần làm tốt công việc của mình. Nếu bạn chăm đọc sách và phát triển cá nhân mình, hơn ai hết, chính bạn là người có lợi.

Nguồn: Thanh Niên