0
Giỏ hàng

Chưa có sản phẩm nào.

Bộ ba phê phán của Immanuel Kant

  • Giá bán: 990,000 ₫
-
+
Mua ngay Thêm vào giỏ

Tư vấn mua hàng

  • Nhà xuất bản: Tri Thức
  • Kích thước: 16x24cm
  • Cân nặng: 2000g
  • Tác giả: Immanuel Kant
  • Số trang: 2182
  • Loại bìa: Bìa cứng
  • Dịch giả: Bùi Văn Nam Sơn

Bộ ba "PHÊ PHÁN" nổi tiếng của Immanuel Kant - một trong những triết gia lớn nhất của thời kỳ cận đại. Bộ sách do thầy Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải.

Bộ sách gồm:
1. PHÊ PHÁN LÝ TÍNH THUẦN TÚY (2 tập)
2. PHÊ PHÁN LÝ TÍNH THỰC HÀNH (Đạo đức học)
3. PHÊ PHÁN NĂNG LỰC PHÁN ĐOÁN (Mỹ học và mục đích luận)
---------------------
Nhận xét về Immanuel Kant (1724-1804), triết gia J. Hirschberger đã viết như sau: "Kant được xem là triết gia Đức lớn nhất, hơn nữa là triết gia lớn nhất của thời cận đại (Neuzeit), là triết gia của nền văn hóa tân thời (moderne Kultur) và của nhiều lĩnh vực khác nữa. Dù người ta có đánh giá Kant gì đi nữa, điều không thể chối cãi là ít nhất Kant đã nâng triết học Đức tiến lên một giai đoạn mới. Danh tiếng của ông đẩy lùi tất cả những gì đi trước vào bóng tối và tỏa sáng lên những gì đi sau." Trong tòa nhà triết học của Kant, cuốn Phê phán lý tính thuần túy này được xem là tác phẩm chính yếu, đồng thời cũng là tác phẩm nền tảng của triết học cổ điển Đức, danh tác bất hủ của văn hóa Tây phương và thế giới - lần đầu tiên được nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn dịch đầy đủ sang tiếng Việt và được chú giải công phu nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất (1804-2004) và 280 năm ngày sinh (1724-2004) của triết gia.
-----------------

1. PHÊ PHÁN LÝ TÍNH THUẦN TÚY (Bộ 2 tập)

Đây là tác phẩm chính yếu của I.Kant, đồng thời cũng là tác phẩm nền tảng của triết học cổ điển Đức, danh tác bất hủ của văn hóa Tây phương và thế giới - lần đầu tiên được dịch đầy đủ sang tiếng Việt và được chú giải công phu nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất và 280 năm ngày sinh của triết gia. 

"… Trong tất cả những tác phẩm của Bacon, Descartes, Hobbes, sau đó của Pascal, Leibniz, Locke, Hume, Rousseau, các tác phẩm của Fichte, Hegel, Nietzsche và tiếp theo đó của Frege, Russell, Heidegger và Wittgenstein, không có tác phẩm nào đã làm thay đổi và gây ảnh hưởng sâu đậm lên triết học cận và hiện đại Tây phương hơn "Phê phán lý tính thuần túy" (…) Mọi người đều cùng một nhận xét: kẻ nào nghiên cứu "Phê phán lý tính thuần túy", kẻ đó đã đến tận gốc rễ của triết học…" (Thái Kim Lan, Dẫn luận).

Phê phán lý tính thuần túy là chỗ kết tinh những nhận định có tính phê phán đối với nhiều trào lưu triết học trước đó (từ Platon cho tới Christian Wolff), đồng thời là điểm xuất phát và điểm quy chiếu của triết học cổ điển (duy tâm) Đức (Fichte, Schelling, Hegel) và có ảnh hưởng sâu đậm đến sự phát triển của triết học và khoa học Tây phương cho đến ngày nay. Tác động của nó vượt ra khỏi lãnh vực chuyên môn của triết học. 

“Hai đặc điểm nổi bật của tác phẩm là: một mặt, việc phê phán Siêu hình học cổ truyền đã làm rung chuyển cơ sở siêu hình học-thần học của thế giới quan truyền thống và do đó, là diễn đàn của “lý tính con người” buộc mọi thứ phải phục tùng sự “kiểm tra và phê phán tự do và công khai”. Mặt khác, tác phẩm phát triển những tiền đề cơ bản để nhận chân quyền tự do và tự trị của con người với tư cách là sinh vật có lý tính, tạo cơ sở cho sự tự-nhận thức về mặt đạo đức và pháp quyền của xã hội hiện đại.”

Phê phán lý tính thuần túy khảo sát toàn bộ nhận thức của con người, không chỉ trong phạm vi lý thuyết của tư duy mà cả trong phạm vi thực hành của hành vi con người. Với Phê phán lý tính thuần túy,Kant muốn bàn về: tri thức con người thuộc loại tri thức nào? Con người có thể biết những gì và không thể biết những gì? Kant viết Phê phán lý tính thuần túy để vạch giới hạn cho lý trí con người, với mục đích chứng tỏ cho con người biết không thể dùng tri thức khoa học là sản phẩm của kinh nghiệm để đạt tới những đối tượng của Siêu hình học.
----
2. PHÊ PHÁN LÝ TÍNH THỰC HÀNH (1788) là quyển thứ hai trong “bộ ba” Phê phán nổi tiếng của I. Kant và là một trong các tác phẩm quan trọng nhất trong kho tàng triết văn thế giới về nền tảng của đạo đức học: Quy luật luân lý là cơ sở để nhận thức về Tự do; Tự do là cơ sở cho sự tồn tại của Quy luật luân lý.
Lý tính thực hành là gì? Tại sao phải phê phán nó? Nói một cách ngắn gọn theo nhà nghiên cứu – dịch giả Bùi Văn Nam Sơn, lý tính thực hành là năng lực lựa chọn hành động độc lập với những cơ sở quy định cảm tính, với những bản năng, nhu cầu, đam mê, những cảm giác về sự dễ chịu và không dễ chịu. Mục đích chính yếu của Kant là bác bỏ yêu sách của chủ nghĩa duy nghiệm lẫn của chủ nghĩa hoài nghi về luân lý.
Về cấu trúc, cuốn sách gồm 2 phần: Học thuyết về các yếu tố cơ bản và Học thuyết về phương pháp. Phần thứ nhất lại chia thành Phân tích pháp và Biện chứng pháp.
Về nội dung, chúng ta sẽ tìm hiểu vấn đề sinh hoạt đạo đức của con người: hành vi đạo đức khác hành vi vô luân như thế nào? Tri thức khoa học và tri thức đạo đức khác nhau thế nào? Châm ngôn và luật đạo đức khác nhau ra sao? Kant giải quyết vấn đề linh hồn và Thượng đế thế nào?
---
3. PHÊ PHÁN NĂNG LỰC PHÁN ĐOÁN là cuốn sách Phê phán thứ ba của Kant, sau hai cuốn Phê phán lý tính thuần túy (1781, 1787) nhằm trả lời câu hỏi: “Tôi có thể biết gì?” và Phê phán lý tính thực hành (1788) trả lời câu hỏi: “Tôi phải làm gì?”. Câu hỏi thứ ba “Tôi có thể hy vọng gì?” được Kant dành cho các bài viết và công trình nghiên cứu tương đối ngắn về triết học lịch sử và triết học tôn giáo. Cuốn sách này Kant viết để trả lời câu hỏi thứ tư, bao trùm cả ba câu hỏi trên: “Con người là gì?”.
Theo Kant, con người có ba khả năng: Quan năng nhận thức, Quan năng ham muốn và Quan năng phán đoán. Quan năng phán đoán là cầu nối giữa hai quan năng kia. Phán đoán chia làm: Phán đoán xác định và Phán đoán phản tư.

Theo Kant, Phán đoán xác định: đưa hiện tượng cá biệt vào quy luật phổ quát, công việc để tạo thành nhận thức. Đây là một năng lực bẩm sinh. Phán đoán phản tư: Từ một hiện tượng cá biệt, tìm ra quy luật phổ biến. Có những cái chẳng có mục đích nào cả. Phán đoán phản tư là chìa khóa mở cửa mỹ học. Phán đoán phản tư tạo ra phán đoán thẩm mỹ. Vinh dự của con người là ngoài năng lực phán đoán xác định con người còn có năng lực phán đoán phản tư. Đó là lý do mà cuốn sách có hai phần: “1. Phán đoán thẩm mỹ: tìm cho cái đẹp một mục đích vốn không có trong thực tế; 2. Phán đoán tự nhiên: giới tự nhiên cũng vậy, không có mục đích”.

Năng lực phán đoán “là quan năng suy tưởng cái đặc thù như là được thâu gồm ở dưới cái phổ biến”, “là một năng khiếu đặc biệt do tập luyện mà thành thạo chứ không thể truyền dạy được”. Nó là “từ lòng mẹ sinh ra” và nếu thiếu, không một trường học nào có thể bù đắp được, và do đó “thiếu óc phán đoán thường gọi là sự ngu muội và ta không thể tìm phương thuốc chữa trị”.

Có thể nói, cuốn sách này có vai trò “giải thoát” con người khỏi sự giằng xé giữa tinh thần và thể xác, giữa lý trí và cảm giác; là chiếc cầu bắc ngang qua vực thẳm giữa trí năng và lý trí. Con người là vật biết đau khổ và khoái lạc và con người có quyền hy vọng tìm thấy giải thoát ngay trong phạm vi sinh hoạt thường ngày.

Phán đoán là hành vi thực hành, qua cuốn sách này Kant nghiên cứu về khả năng tình cảm thuần túy và đối tượng của nó là hành vi của con người tại thế. Trong Lời Tựa của lần xuất bản thứ nhất, Kant nói: “với công trình này, tôi đã hoàn tất được toàn bộ công cuộc Phê phán của mình”.

 

Xem thêm

Đặt hàng nhanh