0
Giỏ hàng

Chưa có sản phẩm nào.

Book Review: Thuật lãnh đạo từ Vị tu sĩ bán chiếc Ferrari

Tiếp nối quyển sách bán chạy nhất thế giới Vị Tu Sĩ Bán Chiếc Ferrari, bậc thầy về thuật lãnh đạo kiêm diễn giả lừng danh Robin Sharma tiếp tục chia sẻ hệ thống từng bước giúp khôi phục lòng tin, sự cam kết và tinh thần trong nội bộ tổ chức, đồng thời giúp thay đổi cách bạn sống cuộc đời mình. Sharma đã chắt lọc những kiến thức quý giá về khả năng lãnh đạo có tầm nhìn thành tám bài học thực tiễn mà các nhà lãnh đạo, quản lý cũng như doanh nhân có thể áp dụng để củng cố tinh thần, khơi dậy lòng trung thành và nâng cao năng suất của nhân viên đồng thời vẫn thoả mãn cuộc sống cá nhân.  

Đây là một câu chuyện dễ đọc, do Julian Mantle,  nhân vật nổi tiếng trong tác phẩm Vị Tu Sĩ Bán Chiếc Ferrari, thuật  lại.

Tám nguyên tắc của nhà lãnh đạo thông thái bao gồm:

1.    Nguyên tắc tập trung vào một tương lai truyền cảm hứng, hay “Liên kết nhiệm vụ với mục tiêu”. Mục tiêu là động lực  mạnh mẽ nhất thúc đẩy con người ta hành động. Nhiệm vụ chính của nhà lãnh đạo là khiến nhân viên cảm thấy hào hứng với một mục đích hấp dẫn có thể giúp ích cho cuộc sống của người khác. Bên cạnh đó, nhất quán trong lời nói và hành động là điều bắt buộc.

2.    Nguyên tắc trong quản lý nhân sự, hay “Quản lý bằng khối óc, lãnh đạo bằng con tim”. Mỗi nhà lãnh đạo cần thiết lập mối quan hệ mật thiết với nhân viên. Giữ lời hứa, nói sự thật, lắng nghe tích cực và luôn cảm thông là những việc mà nhà lãnh đạo có tầm nhìn nên rèn luyện.
3.    Nguyên tắc về tinh thần đồng đội, hay “Khen thưởng định kỳ, không ngừng công nhận”. Lời khen ngợi luôn miễn phí. Hãy thường xuyên khen thưởng và công nhận nhân viên cũng như đưa ra đánh giá thật lòng. Kết quả bạn gặt hái sẽ vượt trên cả phần thưởng bạn trao đi. Hãy tìm kiếm những hành vi tốt.
Người lãnh đạo có tầm nhìn hiểu rằng nhân viên sẽ nỗ lực hơn nữa và hết mình với công việc khi họ cảm thấy mình là một phần quan trọng trong một nhóm năng động.  

4.    Nguyên tắc trong quản lý khả năng thích ứng và thay đổi, hay “Đón nhận sự đổi thay”. Thay đổi có thể mang lại niềm vui. Không có thay đổi thì sẽ không có tiến bộ. Thay đổi là mấu chốt của quá trình tiến hóa và cần thiết cho sự sống còn của chúng ta. Sự thay đổi là bạn thân nhất của con người. Nếu ngày nào cũng làm những việc giống nhau, chúng ta sẽ không thể tạo ra kết quả mới. Để thay đổi kết quả, bạn phải thay đổi việc mình đang làm. Bạn phải thay đổi cách mình lãnh đạo nhân viên.

5.    Nguyên tắc trong hiệu quả cá nhân, hay “Tập trung vào những thứ xứng đáng”. Bí quyết của hiệu quả cá nhân là tập trung vào mục tiêu đã đề ra. Nếu bạn không làm chủ được thời gian của mình, thời gian sẽ làm chủ bạn. Đừng bao giờ quên tầm quan trọng của mỗi ngày trong cuộc đời này. Cách bạn sống mỗi ngày cũng là cách bạn sống cuộc đời mình. Đừng lãng phí dù chỉ một ngày. Quá khứ đã là lịch sử, tương lai chỉ là viễn cảnh tưởng tượng. Chỉ có hôm nay, thời khắc hiện tại này, mới thật sự là tất cả những gì bạn có.

6.    Nguyên tắc về nghệ thuật tự lãnh đạo, hay “Lãnh đạo bản thân”. Nguyên tắc này bao gồm 5 quy tắc: làm mới bản thân, làm giàu tri thức, rèn luyện thể chất, thức dậy sớm và suy nghĩ về cái chết. Đừng quá mải mê lao theo guồng quay cuộc sống mà quên mất cách sống một cuộc đời đích thực. Tất cả sự nghiệp lãnh đạo bên ngoài đều bắt đầu từ việc lãnh đạo bản thân. Điều chúng ta thấy không phải là bản chất của thế giới, mà là chính bản thân ta.

7.    Nguyên tắc về sự sáng tạo và đổi mới. hay “Thấy điều người khác thấy, nghĩ điều không ai nghĩ”. Mọi người đều có khả năng sáng tạo. Nhiệm vụ của người lãnh đạo thông thái là tạo ra một môi trường làm việc giải phóng khả năng tiềm ẩn này của họ. Khen ngợi những hành động tự phát thông minh và tưởng thưởng cho những ý tưởng độc đáo. Xây dựng môi trường làm việc vui vẻ. Nuôi dưỡng trí tưởng tượng và để cho tinh thần được tự do phát triển. Đừng quên rằng sâu thẳm trong mỗi nhà lãnh đạo có tầm nhìn đều tồn tại một tâm hồn trẻ thơ, đầy hào hứng và diệu kỳ.

8.    Nguyên tắc về sự cống hiến và ý nghĩa cuộc sống, hay là “Lãnh đạo để tạo di sản cho tương lai”. Mục đích của cuộc sống là sống có mục đích. Hãy tập trung vào việc để lại dấu ấn và tạo ra sự khác biệt. Di sản chính là những gì sâu sắc nhất, tuyệt vời nhất mà bạn hiến dâng cho cuộc đời. Nó phản ánh con người hiện tại của bạn cũng như hình mẫu bạn muốn hướng tới. Để lại di sản không phải là việc cố gây ấn tượng với bạn bè hay vươn tới đỉnh cao. Đó cũng không phải là về vẻ ngoài đẹp đẽ mà là hành động cao quý. Đó chính là sứ mệnh bạn phải hoàn thành và cũng là cách để bạn hiện thực hoá ý nghĩa cuộc đời mình.

James Allen từng nói, “Trong tất cả những chân lý đẹp đẽ được khôi phục và nhìn nhận trong thời đại này, không có chân lý nào khiến người ta vui mừng và tràn đầy tự tin bằng việc biết rằng ta làm chủ tâm trí của mình, định hình tính cách của bản thân, cũng như tạo ra và thay đổi trạng thái, môi trường sống cũng như số phận của chính mình”.

Qua gần 350 trang sách, Robin Sharma đã mang đến cho độc giả một quyển sách có khả năng lay động sâu sắc và truyền cảm hứng để bạn trở thành một nhà lãnh đạo có thể chạm đến cuộc sống người khác, tạo thêm giá trị cho thế giới và để lại di sản tồn tại mãi mãi. Tác giả bài viết này cho rằng đây là quyển sách nhất định phải đọc đối với tất cả mọi người.


Đào Đào