0
Giỏ hàng

Chưa có sản phẩm nào.

Một người Việt trầm lặng – Vén bức màn bí ẩn về một điệp viên huyền thoại

Đó là những năm đầu thế kỷ XX, tác giả Jean-Claude Pomonti trở lại Việt Nam sau nhiều năm vắng bóng và được phép đến thăm người bạn cũ, “Một người Việt trầm lặng” nhưng đã có một sự nghiệp lẫy lừng trong quá khứ. Cuộc gặp gỡ ấy mở đầu cho những trang viết về cuộc đời của một con người vĩ đại – điệp viên, nhà tình báo chiến lược vĩ đại Phạm Xuân Ẩn.

Là một nhà báo Pháp từng làm việc ở Sài Gòn khi chiến tranh sắp kết thúc, tác giả hiểu biết một cách sâu sắc về thời cuộc khi đó. Là một người bạn của ông Ẩn, họ có chung các mối quan hệ bạn bè, cả thân thiết và xã giao. Vậy nên hơn ai hết, Jean-Claude Pomonti mang đến cho người đọc hơi thở thời cuộc và số phân của những con người đi cùng cuộc chiến.

Thời niên thiếu, những ngã rẽ cuộc đời, quyết định làm thay đổi số phận, nhân cách phi thường và sự nghiệp lẫy lừng của Phạm Xuân Ẩn được khắc họa. Nhưng đan xen trong đó là câu chuyện về những người bạn của ông: Cao Giao, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Hưng Vượng, rồi cả bác sĩ Trần Kim Tuyến – trùm đặc vụ Sài Gòn. Những kết cục không có hậu của họ khiến người đọc không khỏi chạnh lòng.

Một điều thú vị khác khi lật giở những trang sách “Một người Việt trầm lặng” chính là những thông tin thú vị về Sài Gòn những năm chiến tranh –khách sạn Continental, thủ phủ của cánh nhà báo nước ngoài ở Việt Nam, tiệm cà phê Givral huyền thoại…

12 chương sách dường như vẫn còn quá ngắn ngủi để khắc họa chân dung một điệp viên lẫy lừng, nhưng nó cũng phần nào vén bức màn bí ẩn để hậu thế hiểu hơn về nhân cách và sự nghiệp một huyền thoại. Những tâm sự, những quan điểm của những người trong cuộc về chính trị và thời thế gợi mở nhiều điều đáng suy nghĩ.

Bởi suy cho cùng, chiến tranh kết thúc, không có nghĩa mọi chuyện được tỏ tường!

Binh Nguyen