0
Giỏ hàng

Chưa có sản phẩm nào.

Trích dẫn sách hay: Đêm nay con có mơ không

“Nhiều khi, người ta làm điều ác bằng một cái tâm thiện. Người ta làm điều sai bằng hàng đống lý lẽ đúng. Và mãi đến khi sắp sửa nhắm mắt ra đi, người ta lại thấy ồ sao mà vô nghĩa.”

(Không gian thư giãn)

“Dọn nhà là việc bạn phải làm hàng ngày, hàng tuần; còn cuối năm dọn nhà dường như đã dần trở thành nếp của nhiều người. Đó là dịp bạn sắp xếp lại tủ sách của mình, năm nay bạn ưng xếp theo khổ, tủ sách nhìn ngay ngắn, ngăn nào ra ngăn đó nhưng không ổn về mặt nội dung. Năm sau bạn bèn xếp sách theo thể loại, văn thơ ra văn thơ, khoa học theo khoa học, nhưng mà, có quá nhiều cuốn bạn không thể xếp nó vô loại nào. Trong quá trình sắp lại tủ sách, bạn muốn cầm lên vuốt ve từng cuốn cho chúng đỡ nhớ hơi người. Có những cuốn sách mở ra, bạn nghe như có gió thốc thẳng vào lòng khi dòng chữ “Cho em, và những tháng ngày tươi đẹp nhất đời người dưới vòm mây văn khoa…”, nét chữ đẹp đẽ mà nghiêm trang, người con trai ấy đã viết, dưới tán cây sân trường cùng một cơn gió đang thổi tơi bời trên mái tóc! Nói chung là sến đó. Bạn dọn nhà và bạn gặp lại một quãng đời rất sến của mình rồi thổn thức bồi hồi. Chuyện lặp lại năm này qua năm khác rồi có khi bạn tự hỏi, cuộc đời mình nếu không có những khoảnh khắc thế này thì có khi nào sẽ vui hơn không. Chứ quá khứ, nhìn lại mỉm cười nhưng lắm khi chùng lòng quá đỗi.”

(Khi cơn dọn nhà tới cữ)

“Chỗ của một người phụ nữ không thể tính bằng thời lượng họ ngồi nơi đó. Chỗ của một người phụ nữ phải là nơi mà khi ở đó, từng phút giây trôi qua trong tâm khảm họ, là nhẹ nhàng!”

(Phụ nữ thì ngồi ở đâu)

“Người già, sau bao nhiêu thăng trầm của đời sống, thì cái nệm êm ái nhất để họ ngả lưng chính là sự thành đạt của con cháu, là không khí đầm ấm ngọt ngào riêng của từng gia cảnh. Một người già, ngủ rồi ra đi mãi mãi trong căn nhà mênh mông của mình và phải đợi đến bảy tám ngày sau mới có hàng xóm phát hiện là một nỗi ám ảnh. Có thể chật chội một chút, có thể nóng nực và bất tiện đủ điều, nhưng ra đi trong vòng tay yêu thương của con cái thì các cụ mới mỉm cười được.”

(Không gian cho chữ hiếu)

“Người ta nói, đàn ông là cái nhà đàn bà là cái bếp, người ta cũng nói, đàn ông xây nhà đàn bà xây tổ ấm! Như hai tam giác đồng dạng, đàn bà và bếp thuộc cùng một góc, góc của yêu thương. Từ nơi ấy, sự sống lan tỏa, từ nơi ấy, ngọn lửa sưởi ấm cho cả ngôi nhà.”

(Từ nơi ấy, sự sống lan tỏa)

“Khi không biết được ngày mai ta sẽ thế nào thì hôm nay, đừng giận hờn ai con nhé. Hãy sống thật vui vẻ. Con cứ cười khi thấy vui và hãy cười cả khi lòng tan nát. Giận hờn, ghen tức, tranh chấp hơn thua sẽ khiến cuộc sống chúng ta nặng nề mà thôi. Và quan trọng nhất, con hãy học cách tha thứ. Tha thứ cho người cũng là tha thứ cho mình. Mỗi ngày được sống là một món quà, nếu con vui tức là con đang có lãi.

Thành phố đang bắn pháo hoa. Mẹ con mình hãy cùng lưu giữ những khoảnh khắc rực rỡ của bầu trời đêm hôm nay cho 364 ngày sau nữa. Để làm gì con biết không? Để ít ra, khi mặt đất vẫn lắm chông gai thì chúng ta vẫn còn một bầu trời lấp lánh.”

(Viết cho con trước giao thừa)

“Dù nội có thọ đến mấy thì cũng không mãi mãi ngồi đó mà đợi mình về, để gãi lưng, để hỏi chồng bây có ngoan không, còn nhậu không, chịu lau nhà không, để hỏi được tăng lương chưa và để mỗi khi mình quên cách thắt một cái nút vải thì nội ôn tồn ngồi đó chỉ lại như thể lần đầu.

Nội không mãi mãi ngồi đó nhìn mình mặc cái quần jeans ôm sát hai ống chân rồi tưởng tượng, rủi mà có con kiến nó chui vô thì cách gì mà bắt nó ra… Nội không mãi mãi ngồi đó để chỉ mình cách làm món bột gạo lá mít, cách làm bánh đúc có xương…, những món mình đã ăn mòn răng mà cứ lần lữa không chịu học cách làm, vì ỷ lại. Từ nay có thèm bất tử, thì cứ ngồi yên đấy mà chép miệng bùi ngùi.”

(Có một thứ mãi mãi)

“… Những chiếc lá của bà thơm. Thơm ngọt ngào suốt hành trình tuổi thơ tôi. Thơm bâng khuâng cho đến tận bây giờ. Và, thơm dịu dàng cho cả những ngày mai. Những chiếc lá của bà, còn thơm ở một hành trình thiên thu khác, hành trình ông tôi trở về cát bụi.

Tôi nhớ ngày đó, dường như biết trước sự ra đi của ông, bà sai anh rể tôi ra ngoài bưng hái lá tràm khuynh diệp. Anh tôi chèo ghe dọc sông Vàm Cỏ, hái được đầy xuồng thứ lá thơm nồng ấy. Anh chở về cho bà ba bao to, bà đổ hết chúng ra phơi trước sân nhà. Ba buổi chiều liên tục, khi trời hết nắng thì bà ngồi gom chúng lại trên một chiếc đệm bàng to. Bà im lặng làm, không sai bảo cháu con, mà dáng bà ngồi gom lá nhìn sao buồn quá. Khi ấy tôi còn nhỏ, tôi không biết bà nghĩ gì trong lòng, cũng không biết mình sắp sửa mất đi một người thân, rất thân. Tôi không biết bà phơi lá làm gì, nhưng sự tỉ mẩn, toàn tâm và nét u sầu của bà khiến tôi ngại ngần không dám hỏi.

Nhà tôi những ngày ấy thơm mùi khuynh diệp mà ai nấy đều xao xác, thất thần, nhất là ba tôi và bà. Vài ngày sau thì ông tôi đi. Người ta dùng toàn bộ số lá ấy lót dưới đáy hòm, rồi phủ lên một tấm vải trắng… Ông tôi nằm trên ấy, chắc là êm lắm. Lúc đó tôi mới biết, bà tôi cầu mong gì cho hành trình thăm thẳm của ông. Tôi tin là ông nghe được hương tràm thơm, thơm mùi hạnh phúc khi được người bạn đời của mình chăm lo ân cần như thế. Kể cả khi ông đã nhắm mắt, buông bỏ hết mọi thứ.

Bây giờ, tôi hay chạnh lòng nghĩ linh tinh, đời mình, liệu có phúc được như ông? Đời người ngắn ngủi, nhưng hành trình thiên thu chắc là dài, có ai lo cho tôi thơm tho, có ai lo cho tôi êm ái. Hay chỉ đơn giản là, bỏ vô một cái túi nylon to, tưới lên người vài lít phooc-môn là yên tâm cho mấy ngày kèn trống.”

(Những chiếc lá thơm tho)

“Một tình yêu đẹp hay rã rời hoang hoải, một tình yêu bừng tỉnh hay ngơ ngác bần thần… mãi mãi, chỉ có hai người biết. Nếu hài lòng, hãy nuôi dưỡng bằng trọn vẹn chân thành. Còn không, hãy bỏ lại bên đường mà bước tiếp. Nhưng cũng xin nói luôn, không có gì chắc chắn sẽ gặp được một tình yêu như ý ở con đường phía trước; vì tình yêu, coi vậy mà mang tính may rủi vô cùng.”

(Mình viết gì khi viết về tình yêu)

“Ông tôi là một người thợ mộc rất khéo tay. Ông cưới được bà tôi cũng nhờ một lần đến nhà bà đóng những cái tủ thờ. Thấy ông chăm chỉ, giỏi nghề mà tính tình điềm đạm nên ông cố tôi (tức là ba của bà tôi) gợi ý gả con gái cho. Vậy là nên cuộc trăm năm. Ông bà tôi sống mực thước, hiền lành trong tư cách những người thợ. Ông thợ mộc, bà thợ may nuôi gần chục người con học hành phương trưởng.

Vì sản phẩm ông làm ra luôn tinh xảo, chắc chắn nên không lúc nào ngơi hàng. Những phút thong thả hiếm hoi, tôi thấy ông nằm võng, bà ngồi cạnh đơm nút làm khuy, thỉnh thoảng đưa tay lắc võng hộ ông. Tôi ra đời thì ông bà đã già nên cũng chưa bao giờ thấy ông chở bà đi đâu, ông cũng không hề biết chạy xe gắn máy. Họ yêu nhau bằng một tình yêu rất lạ với suy nghĩ của người trẻ bây giờ. Tôi không thấy được cụ thể điều gì của cái gọi là yêu, là lãng mạn. Nhưng tôi cảm nhận được một sự gắn bó diệu kỳ. Họ như thể chỉ là một. Một hơi thở, một quan niệm sống, một nhịp đập tình yêu dành cho gia đình.

Khi thấy sức khỏe mình không còn, ông tôi quyết định làm hai sản phẩm cuối cùng rồi nghỉ. Đó là hai cái áo quan cho ông và bà. Ông chậm rãi từng ngày một, tự tay làm mọi thứ, từ phác thảo đến hoàn thiện. Cái của ông chạm rồng, cái của bà chạm phụng. Áo quan không sử dụng cây đinh nào, dùng toàn mộng gỗ mà chắc chắn, đẹp đẽ vô cùng. Tôi không biết bà nghĩ gì khi nhìn ông làm hai sản phẩm đó, cũng không biết ông nghĩ thế nào trong lúc chạm khắc cho chiếc áo quan của bà.

Và điều gì đến cũng đến. Ông đi trước. Bà ở lại vò võ đến 20 năm sau. Bà cũng đi. Đưa bà ra đồng về, tôi và anh rể đi song song nói chuyện với nhau. Anh nói anh thấy thật may mắn được về làm rể nhà này, vì hôm nay, anh đã thấy được điều lãng mạn nhất mà anh chưa từng nghĩ tới. Trên khắp nhân gian này, chắc có mỗi mình bà, sống suốt đời hạnh phúc bên ông. Rồi ra đi, cũng trong chiếc áo quan chính tay ông làm ra. Người đàn ông yêu vợ, lãng mạn như vậy chắc “đụng nóc” rồi!”

(Nhân “ông bà anh” nhớ về ông bà mình)

Trích: “Đêm nay con có mơ không? – Tác giả: Gia Hòa