0
Giỏ hàng

Chưa có sản phẩm nào.

Triết học Descartes

  • Giá bán: 215,000 ₫
-
+
Mua ngay Thêm vào giỏ

Tư vấn mua hàng

  • Nhà xuất bản: Văn Học
  • Kích thước: 14.5x20.5 cm
  • Cân nặng: 500g
  • Tác giả: Trần Thái Đỉnh
  • Số trang: 584
  • Đơn vị phát hành: Thời Đại

Triết học Descartes

Cuốn sách này được xem như một toàn thư về Descartes mang đến cho độc giả Việt Nam. Cuốn sách là bản in chung 3 trong 1: 2 tác phẩm quan trọng nhất của Descartes được lịch sử triết học đề cao là Phương pháp luận và Những suy niệm siêu hình học do Gs. Trần Thái Đỉnh dịch sang tiếng Việt; và cuốn sách biên khảo Triết học Descartes của Gs. Trần Thái Đỉnh nghiên cứu 2 tác phẩm nòng cốt trên, làm nhiệm vụ dẫn nhập tư tưởng triết học của Descartes.

Cuốn Phương pháp luận được xuất bản lần đầu tiên năm 1637 bằng tiếng Pháp, được coi như một Tuyên ngôn và là hiến chương của triết học mới cũng như nền văn minh khoa học mới. Cuốn sách gồm 6 phần:

Phần I được coi như một thiên hồi ký, một bài tự thuật: Về con đường học vấn Descartes trình bày và phê bình những môn ông đã học: văn chương, thần học, triết học và khoa học. Ông đặc biệt khoái môn Toán; Về con đường đời Descartes gọi đây là cuốn sách vĩ đại của thế giới. Ông dùng sáu bảy năm để chu du khắp nơi: quân đội, triều đình và quần chúng. Thế nhưng con đường này chỉ dẫn ông tới “những sai lầm và hoài nghi”; Sau khi thất vọng với 2 con đường trước đó, Descartes quyết tâm đi vào con đường của ông. Con đường này khởi đầu bằng việc đặt giả thiết không có Trời Đất, nhân đó ông tìm ra triết Cogito, nơi đây ông chỉ nói “tôi phải tìm chân lý ở trong chính mình tôi”.

Phần II đề cập đến những quy tắc của triết học mới: Quy tắc hiển nhiên chống lại đường lối kinh viện là chấp nhận những cái “chỉ có vẻ đích thực”; Quy tắc phân tích: chia mỗi vấn đề, mỗi khó khăn thành những thành phần nhỏ để dễ nhận định và có thể giải quyết bắt đầu từ những cái rõ hơn và đơn sơ hơn; Quy tắc trật tự: đi từ những điều đã biết tới những điều đang tìm biết, từ những cái đơn giản tới những cái phức tạp; Quy tắc kiểm kê và tổng hợp: một quy luật để tránh sơ suất khi tìm tòi, nhất là sau khi đã đi vào những chi tiết của công việc phân tích tỉ mỉ. Qua 4 quy tắc này, Descartes đã giải quyết được những vấn đề xưa kia vẫn được coi là khó khăn nhất.

Phần III nói về những quy luật của khoa Luân lý tạm thời – căn nhà tạm trú trong khi chờ đợi xây ngôi nhà mới: Châm ngôn thứ nhất: sống theo phong tục xứ sở mình với thái độ dung hòa; Châm ngôn thứ hai: phải quả quyết trong hành động; Châm ngôn thứ ba: tự chế, chỉ dự tính những cái trong khả năng ta, đừng mơ ước hảo huyền.
Phần IV phác họa cho thấy những nét chính yếu của khoa siêu hình học mới, với những luận chứng về linh hồn và Thượng đế: Chân lý số một cũng là chân lý hiển nhiên đầu tiên: Cogito – Tôi suy tưởng, vậy tôi hiện hữu. Đây là khởi điểm cho nền triết học cũng như cho tất cả hệ thống khoa học do Descartes xây dựng; Bản chất của linh hồn: sau khi thấy suy tưởng là thực tại bất khả nghi, thì phải công nhận sự hiện hữu của tôi. Nhưng tôi là ai? “Là một bản thể mà tất cả yếu tính chỉ là suy tưởng.”; Chứng minh có Thượng đế; Giá trị của những chứng minh: những ai không nhận ra sự hiển nhiên của những lý lẽ do ông đưa ra để chứng minh linh hồn và Thượng đế, thì chỉ tại họ không dùng lý trí mà lại dùng trí tưởng tượng trong việc truy tầm này.

Phần V chứa đựng những nguyên tắc nền tảng của khoa Vật lý Descartes. Với Descartes thì khoa Luân lý đích thực chí có được sau khi đã đặt xong nền tảng Siêu hình, xây xong cái thân là khoa Vật lý, rồi sau khi những ngành như Y học và Cơ học mọc ra.

Phần VI: coi như chương trình mà Descartes đã tự vạch cho mình để tiến tới một khoa Vật lý đích thực, hòng xây dựng một khoa Y học khả dĩ “giải thoát con người khỏi bệnh tật và khỏi sự yếu nhược của tuổi già”.

Với cuốn Những suy niệm siêu hình học xuất bản năm 1641 bằng tiếng la-tinh – ngôn ngữ các trường đại học Tây phương dùng lúc bấy giờ, Descartes mới thật sự bước vào cuộc chiến chống lại triết học kinh viện đang thống trị thời đó. Chủ nghĩa khoa học của Descartes đã chết hẳn với Khoa học thuyết của thế kỷ XIX, nhưng tư tưởng triết học của Descartes càng ngày càng phong phú và càng giúp cho nhiều triết thuyết phát sinh. Tư tưởng đó có thể được coi như nằm gọn trong cuốn Những suy niệm siêu hình học. Cuốn sách là suy tư của Descartes về giá trị của khoa học Descartes, và nói chung là nền khoa học của những năm cuối cùng đời ông, khoa học đã thực hiện hoặc còn ở trong mộng. Địa vị của cuốn Những suy niệm siêu hình học là quan trọng, quan trọng để hiểu triết Descartes một cách đích xác, quan trọng đối với công việc đào luyện tư tưởng triết học của chúng ta.

Chúng ta đã có 3 lần bắt đầu trong lịch sử triết học: lần thứ nhất bắt đầu với Socrate, lần thứ hai bắt đầu với Descartes, lần thứ 3 bắt đầu với Kant. Descartes được gọi là cha đẻ của triết học thời mới, triết học Descartes đã đánh dấu một khúc quẹo của tư tưởng của con người đối với vũ trụ, với trời và với chính mình và cuối cùng được hoàn tất bởi Kant.

Triết học truyền thống khởi đi từ thế giới và luôn lấy thế giới làm nền, còn triết học Descartes lại khởi sự từ hành vi suy tưởng của con người và luôn lấy đó làm căn cứ. Triết học của Descartes là triết học tinh thần và triết học truyền thống là triết học thiên nhiên. Descartes đả phá tất cả, Hy Lạp và Trung cổ khởi công từ chỗ truy nhận thế giới vĩnh cửu và tuyệt đối chân thật, nay Descartes khởi sự từ chỗ coi thế giới là truyện bày đặt, truyện biến ngôn và ông khởi sự từ hành vi suy tư của con người. Descartes xác định lại 2 lĩnh vực khoa học và triết học, phân ranh rõ rệt giữa những truy tầm khoa học và những suy niệm triết học. Descartes khởi sự triết học từ tư tưởng con người, tức yếu tố tinh thần của con người chứ không xây triết học trên thế giới như triết học truyền thống đã làm. Vì vậy, triết học của Descartes là triết học về con người, nhưng ngạc nhiên là ông không định nghĩa con người là con vật có lý trí. Ông đề cao ý chí (volonté) và tự do hơn. Ông coi ý chí là yếu tố căn bản và cao trọng nhất nơi con người. Có thể nói rằng, con người trong triết Descartes không còn là một vật trong thiên nhiên nữa, nhưng là một tinh thần. Descartes coi con người là một hữu thể siêu việt. Và Descartes là chỗ đứt quãng, phân ranh hai thời đại đi trước và đi sau thành hai nền tư tưởng khác hẳn nhau.

Xem thêm

Đặt hàng nhanh