0
Giỏ hàng

Chưa có sản phẩm nào.

Căn phòng khóa

  • Giá bán: 146,000 ₫
-
+
Mua ngay Thêm vào giỏ

Tư vấn mua hàng

  • Nhà xuất bản: Hội nhà văn
  • Kích thước: 13 x 19 cm
  • Cân nặng: 300g
  • Tác giả: Emma Donoghue
  • Số trang: 420
  • Đơn vị phát hành:

“Căn phòng khóa” Hạnh phúc, sợ hãi, quẫn bách, bối rối, chập chững, hạnh phúc

Đây là cuốn sách thứ hai tôi muốn mua cho mẹ mình đọc.

Người châu Phi bảo để nuôi một đứa trẻ cần cả một làng; trên mạng xã hội ở Việt Nam thỉnh thoảng lại rần rần Sốc với mâm cơm mẹ chồng nấu cho con dâu ở cữ – tức bà đẻ luôn có một đại gia đình vây quanh, dù hầu hay không hầu; thế người mẹ, trong tiểu thuyết “Căn phòng” của Emma Donoghue, cần gì để nuôi Jack nơi mọi thứ bị triệt tiêu tới tối thiểu: không gian chưa tới 10m2, khóa kín tuyệt đối không được ra ngoài, thức ăn hạn chế, người mẹ thường xuyên bị đánh đập, cưỡng hiếp? Câu trả lời: hẳn nhiên là Tình yêu. Và Trí tưởng tượng.

Lấy cảm hứng từ vụ bắt cóc ở Áo, khi Elisabeth Fritzl bị chính bố ruột giam cầm và cưỡng hiếp trong nhiều năm, Donoghue, khi đó sống cùng partner là một phụ nữ khác và cả hai đã cùng có hai con, một bốn tuổi, một một tuổi, đã viết “Căn phòng” không chỉ để mô tả cái kinh nghiệm cá nhân khi được làm mẹ, cái công cuộc kỳ diệu ấy, ở những khía cạnh nó biến đổi, làm thăng hoa, làm hủy hoại (một phần) chính mình. Quan trọng hơn, như chính bà chia sẻ, chỉ là cái nền là câu chuyện về bị bắt cóc và cưỡng hiếp, bị giam giữ, “Căn phòng” đã thành công vượt bật khi đẩy hướng câu chuyện sang một chủ đề tích cực và đầy khả năng gây đồng cảm: sức mạnh của người phụ nữ trong hoàn cảnh tuyệt vọng, mối quan hệ mẹ con-tình mẫu tử đầy tích-tiêu cực.

Điều đặc biệt đầu tiên mà độc giả bập luôn ở trang đầu của “Căn phòng,” đó là nó được kể lại hoàn toàn từ người kể chuyện 5 tuổi, Jack. Toàn bộ câu chuyện chính vì thế được hiện lên qua ngôn ngữ của một đứa bé tuyệt đối không tiếp xúc với ai ngoài mẹ mình, chưa bao giờ nhìn thấy mặt trời, tất cả những gì Jack tri nhận được đều tồn tại trong tầm tay với: đồ vật trong căn phòng nhỏ, là bồn rửa, tấm thảm, chậu cây, ghế ngồi, tivi… Tất cả chúng đều trở thành “người” thật đối với Jack, có linh hồn, có khả năng giao tiếp. Phòng trở thành Thế giới của Jack. Một thế giới duy nhất nơi khái niệm Ngoài kia không tồn tại, bởi Ngoài Căn Phòng tương đối với Ngoài không gian. “Phòng” vừa là thế giới, vừa là lằn ranh giới hạn.

Vì được thuật lại từ góc nhìn của đứa bé, nên câu chuyện trong “Căn phòng” vừa trở nên tinh khôi và thú vị qua ánh mắt và tưởng tượng của Jack lớn lên trong môi trường đặc biệt với tivi làm bạn, ngôn ngữ ảnh hưởng rất nhiều từ các chương trình hoạt hình mà cậu bé xem, vừa bị giới hạn trong những hiểu biết của Jack. Giới hạn trở thành từ chủ chốt cho tiểu thuyết của Donogue: từ những sự thật của đời sống thực được chiếu qua lăng kính hạn hẹp, người đọc mới dần dần tự khám phá ra ra hoàn cảnh của hai mẹ con: gần như ngoài 50 trang đầu, sự thật bị nằm lẩn sâu và người đọc chỉ hiểu được nó qua các hành động kỳ quặc của hai mẹ con, như việc làm bài tập Hét mỗi ngày sau giờ ngủ trưa, lên skylight, hóa ra chính là tiếng hét cầu cứu không lời đáp.

Emma Donoghue tập trung khai thác mối quan hệ tình cảm phức tạp của mẹ con – mà theo tác giả là mối quan hệ nồng nhiệt nhưng cũng phức tạp nhất hạng. Chính nhờ có Jack mà mẹ mới tiếp tục sống sót được trong Phòng, Jack là nguồn sống, nguồn an ủi, là bạn bè, là tất cả với mẹ. Hẳn nhiên Jack nhiều khi cũng là nguồn cơn gây ra bực dọc, khổ sở, vất vả, tuyệt vọng. Nhưng Jack luôn là vị cứu tinh của mẹ, ở cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Donoghue đã đóng góp thêm được một hình tượng người mẹ tuyệt vời vô đối cho bảo tang các bà mẹ trong văn chương. Một bà mẹ của hy sinh tuyệt đối, của lạc quan tin tưởng, của trí tưởng tượng phong phú, của hài hước và ấm áp, của chuyện cổ tích, nuôi dưỡng tâm hồn của đứa bé 5 tuổi. Trong Phòng Jack hoàn toàn hạnh phúc và sung sướng với thế giới mà Mẹ tạo ra: các đồ vật trở thành Người, ngôn ngữ và đồ vật không còn khoảng cách như các lý thuyết gia nghi ngờ giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt. Cái thế giới ấy đẫm chất cổ tích, của cả Alice trong Xứ sở Thần tiên, của cả chương trình hoạt hình Dora và các chuyến phiêu lưu. Dù bị giam hãm trong phòng, nhưng mẹ vẫn luôn có cách để đánh bật được giới hạn của hoàn cảnh sống.

“Căn phòng” được chia làm hai phần, trong Phòng, và ngoài Phòng, với cú vượt thoát ngoạn mục có phần khó tin của cả hai mẹ con. Với tôi nửa phần trước là nơi tác giả phát triển được khả năng văn chương của mình với những miêu tả sinh động cái đời sống được kiến tạo rất nề nếp nhưng lại cực phong phú, và cảm động của hai mẹ con. Cú vượt thoát đóng vai trò kỳ diệu nhưng cũng là điểm yếu của truyện, mà sang phần tiếp theo những thế mạnh của phần đầu đã hoàn toàn tan biến.

Nửa sau của “Căn phòng” tập trung vào những bước chập chững của hai mẹ con khi tái hòa nhập đời sống thật, nơi Jack bắt đầu làm quen với Ngoài phòng, nơi mẹ Jack nhiều khi rơi vào quẫn bách và tuyệt vọng. Nửa sau của cuốn sách làm bật lên hai vấn đề: kền kền truyền thông, và hơi ấm của gia đình lớn. Emma Donoghue đã phản ánh rất hiện thực cái cách cách truyền thông khai thác và bao vây một hiện tượng lạ như con mồi. Một mặt, truyền thông giúp gây quỹ để giúp đỡ hai mẹ con, một mặt với sự tọc mạch chọc ngoáy không kiêng dè trong một cuộc phỏng vấn nơi những người chưa từng qua cái cầu đoạn trường lại chất vấn về những lựa chọn của cô gái bị bắt cóc và không hề có lựa chọn.

May mắn ở cái phần hai đầy chua xót và mỉa mai ấy, sự xuất hiện của bà ngoại và ông Leo, những người đã dìu cả hai mẹ con Jack vào lại cuộc sống. Như một sự đối lập với nửa đầu, nơi mẹ chỉ có zero để nuôi Jack, giờ đây đứa trẻ được tạo mọi điều kiện, và với khả năng điều chỉnh và làm quen nhanh nhạy với mối trường sống, Jack nhanh chóng bắt được nhịp.

Vậy có cần một cái làng để nuôi một đứa trẻ khỏe mạnh và hạnh phúc? Dĩ nhiên có thì càng tốt, nhưng quan trọng nhất, đó chính là tình yêu thương và sự chăm sóc đầy đủ. Các bà mẹ Việt Nam thích điều này.

“Căn phòng” của Emma Donoghue đã đạt rất nhiều giải thưởng, trong đó có vào shortlist của Booker năm 2010, giải Commonwealth Writers’ Prize năm 2011, Hughes & Hughes Irish Novel of the Year, Irish Book Awards năm 2010. Tiểu thuyết cũng được chuyển thể thành phim do chính Emma Donoghue viết kịch bản. Khi xem nhớ chuẩn bị chai nước, khăn giấy, và ngồi chỗ kín đáo, ít người dòm ngó.

ROOM – CĂN PHÒNG KHÓA
Của Emma Donoghue. Dịch bởi Lê Quang Toàn.
448 trang. First News Trí Việt & NXB Hội Nhà Văn. 146.000
Đánh giá: ****

Quyên Nguyễn/ Nguồn: Bên phía nhà Z

Xem thêm

Đặt hàng nhanh