0
Giỏ hàng

Chưa có sản phẩm nào.

Những trích dẫn hay nhất từ quyển sách Tự do đầu tiên và cuối cùng

Tự do đầu tiên và cuối cùng là tập hợp các 20 bài nói chuyện và 38 lời giải đáp thắc mắc về nhiều chủ đề của triết gia Ấn Độ thế kỷ 20 Jiddu Krishnamurti (1895-1986). Cuốn sách này được xuất bản lần đầu năm 1954 với lời mở đầu đầy thấu hiểu của Aldous Huxley, và được xem là một tác phẩm quan trọng để hiểu được tư tưởng của Krishnamurti. Đây cũng là một trong những tựa sách đầu tiên đưa tên tuổi Krishnamurti lên tầm thế giới, trở thành một triết gia có ảnh hưởng lớn. 

Cuốn sách này cũng thiết lập một hình thức trình bày thường được sử dụng trong các tác phẩm của Krishnamurti về sau. Phần đầu sách, ông trình bày ý tưởng của mình về nhiều vấn đề có liên quan khác nhau, phần thứ hai là thảo luận với một hoặc nhiều người tham gia.

Trong Tự do đầu tiên và cuối cùng, Krishnamurti nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thoát khỏi mọi định kiến, quy định, thoát khỏi mạng lưới tư duy, mọi hệ thống, uy quyền, để có được sự tự do tuyệt đối. Chỉ khi làm được điều đó, con người mới có thể giải quyết được các vấn đề gây khủng hoảng, chấm dứt chiến tranh, đau khổ, suy sụp,… 

Độc giả sẽ tìm thấy ở đây một tuyên bố rất hiện đại và rõ ràng về vấn đề nền tảng của con người, cùng với đó là lời mời giải quyết nó bằng giải pháp duy nhất khả dĩ – cho bạn và bởi chính bạn. Trước khi chúng ta bắt đầu hành trình tìm kiếm thực tại, tìm kiếm Thượng Đế, trước khi có thể hành động, trước khi có thể có bất cứ mối quan hệ nào với người khác, ở đây là xã hội, thì nhất thiết chúng ta phải bắt đầu hiểu mình.


 
Những trích dẫn hay nhất của Tự do đầu tiên và cuối cùng

1.    Khi bạn đang ở trong tâm trạng dễ tiếp thu thì mọi thứ có thể được hiểu một cách dễ dàng; bạn đang lắng nghe chỉ khi bạn thật sự chú ý đến điều gì đó. Nhưng rủi thay, đa số chúng ta lại lắng nghe thông qua một bức màn kháng cự. Chúng ta bị che mắt bởi những thiên kiến, dù là về tôn giáo hay tâm linh, tâm lý học hay khoa học, hoặc bởi những phiền não, mong muốn và sợ hãi hằng ngày của mình.

2.    Nếu bây giờ bạn không thay đổi, thì bạn sẽ không bao giờ thay đổi, bởi vì sự đổi thay mà mai mới diễn ra thì chỉ đơn thuần là sửa đổi chứ không phải chuyển biến… Cách mạng là bây giờ chứ không phải ngày mai.

3.    Nếu lệ thuộc vào những cuốn sách của cánh tả hoặc cánh hữu, hay những cuốn kinh, thì bạn sẽ phụ thuộc vào những quan niệm riêng thuần túy, dù đó là của Phật, của Chúa, hay bất cứ ai khác. Chúng là những ý niệm, không phải chân lý.

4.    Bạn là thế nào, thì thế giới là thế đó.

5.    Bạn và tôi mới chính là vấn đề, chứ không phải thế giới, bởi vì thế giới là sự phóng chiếu của bản thân chúng ta, để hiểu thế giới, chúng ta phải hiểu chính mình.

6.    Để hiểu trọn vẹn bản thân đòi hỏi sự tỉnh giác phi thường của tâm trí, bởi vì hiện trạng thì cứ chuyển biến, thay đổi không ngừng, nên để theo dõi nó một cách nhanh chóng, tâm trí phải không bị trói buộc vào bất cứ một giáo điều hay niềm tin và khuôn mẫu hành động đặc thù nào.

7.    Nếu muốn hiểu được ai đó, thì tôi không thể chỉ trích họ, thay vào đó tôi phải quan sát, tìm hiểu họ. Tôi phải thương yêu chính đối tượng mà mình đang tìm hiểu đó.

8.    Chúng ta không thể nhận thức được thực tại, chân lý. Để chân lý xuất hiện, thì phải cắt đứt niềm tin, kiến thức, trải nghiệm, việc mưu cầu đức hạnh – tất cả đều phải chấm dứt.

9.    Sợ hãi còn hiện hữu chừng nào còn có sự tích lũy những điều đã biết, vì nó gây ra nỗi sợ mất mát… Mặc dù ý định tích lũy của tôi là để tránh đau khổ, nhưng đau khổ lại là điều cố hữu trong quá trình tích lũy.

10.    Đa phần chúng ta thích bị ràng buộc – bởi con người, bởi tài sản vật chất, bởi những tư tưởng. Chúng ta thích là tù nhân. Từ bên trong, chúng ta là những tù nhân, dù ở bề ngoài, chúng ta có vẻ rất đơn giản. Suy cho cùng, cái gì ở bên trong sẽ phát tiết ra bên ngoài.

11.    Không thể nào có chuyện sống biệt lập được – tức là không một quốc gia, không một dân tộc, không một cá nhân nào có thể sống trong sự cô lập. Tuy nhiên, khi bạn đang tìm kiếm quyền lực theo rất nhiều cách khác nhau, là bạn nuôi dưỡng sự cách biệt.

12.    Chúng ta không phải tìm kiếm chân lý. Và chân lý không phải là thứ gì xa xôi. Đó là sự thật về tâm trí, là sự thật về những hoạt động của nó trong từng khoảnh khắc. Chừng nào tâm trí còn đang trong tình trạng xung đột, đổ lỗi, kháng cự, chỉ trích, thì chừng đó còn chưa có sự hiểu biết.

13.    Bạn sử dụng tri thức như một phương tiện tự vệ, để đảm bảo an toàn, và bạn muốn hoàn toàn chắc chắn rằng bạn có những kinh nghiệm giống hệt như Đức Phật, Đức Chúa hay một vị X nào đó. Nhưng một người đang không ngừng bảo vệ chính mình bằng tri thức thì rõ ràng không phải là người tìm kiếm chân lý.

14.    Cách chúng ta đối xử với vợ, con, láng giềng, bạn bè của mình là dấu hiệu cho thấy rằng trong mối tương giao của chúng ta, thực sự chẳng có yêu thương chút nào cả. Nó thuần túy là tìm kiếm sự thỏa mãn ở nhau.

15.    Có một căn bệnh được gọi là chủ nghĩa dân tộc, sự tôn sùng một lá cờ. Và cũng có căn bệnh của tôn giáo có tổ chức, sự tôn thờ giáo điều. Tất cả đều là nguyên nhân của chiến tranh.

16.    Niềm tin là sự khước từ chân lý, niềm tin cản trở chân lý. Tin vào Thượng Đế thì sẽ không tìm thấy Thượng Đế.

17.    Bởi vì chúng ta không biết cách thương yêu một người, nên tình thương của chúng ta đối với nhân loại là hư cấu. Khi bạn đã thương yêu thì không có một và cũng không có nhiều: chỉ có tình yêu thương mà thôi.

18.    Khi tâm trí thật sự tĩnh lặng, thì cái vô hạn mới có thể bắt đầu hiện hữu.