0
Giỏ hàng

Chưa có sản phẩm nào.

Thiên hạ sắm xe, mua nhà…, tôi cứ nói về sách và đọc sách, liệu có lạc lõng không?

Khi bạn đi theo con đường mà bạn nghĩ là đúng, là hữu ích là rất người, bạn nên vừa quan sát quy luật vận động chung của xã hội và lắng nghe lòng mình thay vì để ý đến những âm thanh vo ve khác.

Làm người dịch, viết và bán sách rong, tôi có cơ hội tiếp xúc với nhiều người thích đọc sách và người làm thư viện.

Có nhiều bạn rất say mê và kiên định nhưng cũng có nhiều bạn ngã lòng hoặc mặc cảm rằng “thiên hạ họ sắm xe, mua nhà, bàn chuyện tiền nong… mình cứ nói về sách và đọc thế này có lạc lõng không?”.

Tôi nói với họ đại ý rằng, đừng bao giờ nghĩ những người chỉ thích nói về nhà, xe, tiền… bình an, thản nhiên với những gì họ có. Bởi vì đã là con người – những vấn đề của con người sẽ đặt ra đối với bất cứ ai, cho dù là vua hay ăn mày.

Chẳng hạn, nhu cầu biểu đạt ý nghĩ – tư tưởng của bản thân, nhu cầu muốn được người khác biết đến, xã hội công nhận và tôn trọng đều có ở bất cứ ai cho dù giàu hay nghèo, quan chức hay thảo dân.

Cho nên, hãy quan sát kĩ sẽ thấy, có những người có đầy đủ hết nhà lầu, xe hơi, chức vụ, tiền bạc…nhưng họ vẫn phải tiếp tục sắm thêm bằng cấp, học vị, vẫn phải thuê người viết sách cho mình đứng tên, vẫn phải cố gá tên mình lên các cuốn sách để thỏa mãn các nhu cầu trên.

Đơn giản vì các phương tiện vật chất nói trên không thể biến họ thành “siêu người” mà thực chất họ vẫn là con người thuần túy. Động cơ của họ rất người có điều phương thức thực hiện thì sai lầm mà thôi.

Người Việt hay bị dính mắc vào hai mặc cảm khiến họ phải sống cuộc sống của người khác hoặc sống vì dư luận xã hội.

Một là mặc cảm mình là người ít học. Vì mặc cảm đó thôi thúc mà họ đuổi theo bằng cấp, học vị, học hàm bằng mọi giá và luôn trưng ra những thứ đó để chứng minh mình là người “có học” là “trí thức”.

Thứ hai là mặc cảm mình là người nghèo hèn. Vì mặc cảm đó đeo bám mà người ta hay trưng ra nhà cửa, xe cộ, đồ trang sức, hàng hiệu… để chứng minh “tôi có tiền”.

Cả hai thành xiềng xích ngăn cản tâm hồn họ trở nên tự do, khoáng đạt và thoải mái. Vì thế, giàu mà vẫn khổ vì tiền, bằng cấp cao, học vị lớn mà vẫn lo sợ người khác mắng “vô học”.

Muốn sống thoải mái, an nhiên, tự tại, cá nhân cần chinh phục hai mặc cảm có tính di sản lịch sử này.

Cho nên, khi bạn đi theo con đường mà bạn nghĩ là đúng, là hữu ích là rất người, bạn nên vừa quan sát quy luật vận động chung của xã hội và lắng nghe lòng mình thay vì để ý đến những âm thanh vo ve khác.

Nếu bạn là phụ huynh, bạn hãy vui khi con mình biết đọc, thích đọc, có thể viết ra bài văn, bài thơ, vẽ nên những bức tranh đầu tiên.

Đấy là biểu hiện rất người và là nền tảng để cá nhân có thể thực hiện cuộc sống hạnh phúc.

Sự khác biệt lớn nhất giữa loài người và các loài vật khác không chỉ giản đơn nằm trong cấu trúc não bộ hay thân thể mà phần lớn nằm trong thế giới tinh thần phong phú.

Vậy nên, trừ phi không muốn sống đời sống như một con người, đừng hạ thấp hay thiếu tự tin vào vai trò ý nghĩa của văn hóa trong đời sống thường ngày cũng như khi nhìn vào sự phát triển của quốc gia.

Nguồn: Theo Nguyễn Quốc Vương/Trí thức trẻ/CafeF