0
Giỏ hàng

Chưa có sản phẩm nào.

“Sài Gòn chở cơm đi ăn phở” – chuyện của một thuở ăn rong

Mình “phải lòng” bạn ấy ngay khi đọc những dòng chữ đầu tiên của bản thảo, vì cảm giác gần gũi và nhà quê, giống tuổi thơ mình đã từng có! Và khi bắt tay vào biên tập, những kỷ niệm không gọi mà tràn về như thác lũ. Bạn bè mình hay những ai đã đi qua cái thời “ăn mắm nhọn mỏ”, ngửi mùi bánh xèo nhớ những chiều mưa, tháng 3 nhớ cá cơm, tháng 7 thèm cá nục… thì hẳn sẽ có cùng cảm xúc như mình khi đọc “Sài Gòn chở cơm đi ăn phở”. Còn những ai ở Sài Gòn, thì hẳn nhiên, cuốn sách này cũng dành cho mí bạn.

Chuyện từ cái gian bếp Mẹ

Mình nhớ những ngày mưa, những buổi chiều mùa đông rảnh rỗi, nhà mình cũng đúc bánh xèo ăn như thế. Xay bột bằng máy là chuyện của những năm 2000, còn trước đó, nhà mình cũng toàn xay bột bằng cái cối đá nhà nội. Thế nên, những dòng chữ này khiến mình xao xuyến: “Con nhớ không, những ngày mưa, không ai đi làm ngoài đồng được, ba đòi đúc bánh xèo.

Mẹ con vẫn ngồi đây, nhóm lửa than trong hai quả (hỏa lò nhỏ đặt khuôn đúc). Lúc ấy, mẹ con ngâm gạo, ba xay bột, mẹ con ngồi đúc. Bánh ăn nóng ngay bếp mới ngon. Sau này, có lần con đưa ba đi ăn bánh xèo tiệm, ba chẳng thấy ngon gì cả. Ba không nghe được tiếng xèo xèo khi đổ bột vào khuôn mỡ đang sôi. Ba không ngửi thấy mùi bột sống, rồi mới tới mùi bánh chín khê khê khét khét. Phải có quá trình sinh thành, con ạ”. Từ cái bánh xèo nóng hổi trong bếp má đổ đến cái bánh xèo cứng ngắc ngoài tiệm là cả một hành trình lưu lạc của mấy đứa con xa quê. Nên mình nhớ lắm, nhất là trong những buổi chiều mưa…

Rồi cũng trong gian bếp đó, tô canh chua cá tràu, canh nghêu nấu khế, cá bống kho tiêu, cá nục cá liệt nấu ngót… bày ra đủ cả. Cái gian bếp mẹ là thứ khiến mình (và mình nghĩ cũng nhiều người… giống mình) nhớ nhất khi đi xa. Cái gian bếp có khi tối hù (vào cái thời chưa có điện), đen thui (vì nấu bằng rơm bằng củi bồ hóng mạng nhện tùm lum), nhưng rộn ràng và thơm phưng phức vì có bàn tay mẹ. Cái tuổi thơ rơm rạ hạnh phúc vì những món ăn nhà quê mẹ nấu. Thế nên có khi, “ba bốn chục năm sau, giữa cái nóng trứ danh của Sài Gòn mà áo lụa Hà Đông giờ đây cũng khó cứu rỗi, gọi món canh nghêu nấu khế, nhà hàng bảo không biết nấu. Vốn là quán quen, nên năn nỉ và chỉ công thức nấu tối giản: hai trái khế, vài lạng nghêu, mớ rau mùi. Thế là không cần chùi bụi, cạo gọt gỉ sét, kỷ niệm đã bóng như gương”.

Mà, chuyện ăn chuyện uống chuyện ngày xưa, nhắc chi… thêm buồn thêm nhớ!

Đến Sài Gòn một thủơ ăn rong

Hồi trước má mình hay nói “ăn hàng lở núi lở non”, nhưng rồi đến khi đọc “Sài Gòn chở cơm đi ăn phở”, mình mới thấy chuyện ăn hàng thiệt ra cũng… có lợi hết sức. Bởi có ăn hàng ăn rong, có lê la quán xá mới nghe được bao nhiêu chuyện, biết được bao nhiêu món ăn ngon, thẩm thấu được bao nhiêu cái đẹp trong văn hóa ẩm thực từng vùng.

Ăn rong ở Sài Gòn thì… phải biết. Cái này thôi khỏi bàn, bởi tác giả nói đủ cả trong sách: Sài Gòn ăn mùa mưa, ăn ven sông, ăn sáng; cà phê, bánh mỳ, xôi, phở, bún mắm… không thiếu thứ gì. Cái thuở ăn rong của tác giả diễn ra vào những năm 2000 lẻ mấy chấm, đó cũng là lúc mình vừa lưu lạc vào Sài Gòn. Đọc những ghi chú về thời giá của tác giả mới thấy giật mình. Hồi đó cơm sinh viên Thủ Đức của mình 3k/đĩa, chỗ sang nhất là quán “Gánh hàng rong” 4k mà lâu lâu mới dám ghé một lần. Lẩu cá thì có 20k/cái, 8 đứa phòng Ký túc xá đi ăn sinh nhật gọi 2 cái lẩu, xách theo một bịch bún rau to đùng, ăn xong còn xin nước lẩu mang về khuya ăn mì, haha. Mới có mười mấy năm mà giờ nhìn lại cứ như chuyện thời… cổ tích.

Thôi, quay lại chủ đề chính là cuốn sách còn có nhiều thông tin hay ho về ẩm – thực Việt như cơm thuần Việt, chè Việt, dưa chua Việt… Đọc mới thấy sự kỳ công của người xưa. Đọc mới thấy nể phục kiến thức và sự hiểu biết của tác giả!

Và đọc, để một ngày có “chở cơm đi ăn phở” thì cũng biết… đường về!

Bình Nguyên